Đến nay, dựa trên những nghiên cứu về não bộ trẻ em, chúng ta có thể hiểu: Hoạt động vui chơi cùng bé là một phương pháp giáo dục sớm và hiệu quả trong sự phát triển trí não, hình thành trí nhớ, kĩ năng tư duy và học hỏi. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc đầy đủ của não bộ, trong khi đó tương tác xã hội trong những hoạt động vui chơi lành mạnh, đặc biệt trong giai đoạn sớm (trước 5 tuổi), đóng vai trò gia tăng các liên kết thần kinh. 2 yếu tố đó là nhân tố nền tảng bền vững cho sự phát triển não bộ tối đa.
Trong một báo cáo của Gs.Bertrand, Canada, vai trò cha mẹ rất quan trọng trong các hoạt động vui chơi và sự phát triển não bộ của trẻ.
Trò chơi như thế nào giúp bé phát triển tốt não bộ?
Các bé từ 1 tuổi trở lên có thể tham gia cùng chơi với bố mẹ. Trò chơi nên đem lại cảm giác thích thú và mang tính giáo dục, như: gợi lên hình ảnh, kích thước, sự ghi nhớ, cấu trúc, mang tính thử thách (giải quyết vấn đề) - đó là thông điệp từ Gs.Bs. Fantasia, Anh Quốc.
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục trẻ em Penfied khuyên cha mẹ: trò chơi có thể sử dụng ngay những vật dụng xung quanh nhà, hơn nữa cha mẹ cũng đừng quên đi dạo hay chơi cùng bé bên ngoài, tương tác các vật dụng xung quanh và các bé khác đều giúp ích cho não bộ phát triển tối đa.
Bố mẹ nên lưu ý các hoạt động vui chơi nên lành mạnh và không cho bé tiếp xúc với TV, máy tính và các thiết bị điện tử trước 2 tuổi.
Bộ Y Tế Anh, Viện Nhi khoa của Mỹ và Bộ Y tế Úc đều khuyên rằng: CÁC BÉ DƯỚI 2 TUỔI KHÔNG NÊN xem/chơi trên TV hoặc các thiết bị điện tử khác (kể cả các game điện tử). CÁC BÉ TỪ 2-5 TUỔI NGỒI VÀ XEM TV hoặc chơi trên các thiết bị điện tử khác như máy tính, Ipad, điện thoại,... ít hơn 1 giờ/ngày.
Liên quan đến các game điện tử giúp bé thông minh hoặc giáo dục, trong một cập nhật mới của Viện Nhi Khoa Mỹ năm 2011 có ghi rõ: "Hiện tại, không có bằng chứng để cho thấy việc cho bé dưới 2 tuổi chơi các chương trình game/giáo dục đó đem đến lợi ích cho phát triển não bộ các bé. Mà ngược lại, những ảnh hưởng về sức khỏe cũng như thay đổi hành vi của bé là mối quan tâm cha mẹ cần cân nhắc khi cho bé tiếp xúc quá sớm với công nghệ."
Các chuyên gia sức khỏe đều khuyên cha mẹ nên tạo những trò chơi thực tế với bé hơn là cho bé chơi hay nhảy theo 1 hình ảnh ảo nào đó trên màn hình TV hoặc điện thoại, ipad.
Các trò chơi giúp kích thích trí não bé từ sớm
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester (Anh) đã hướng dẫn bố mẹ nên cho trẻ chơi 6 trò chơi sau để kích thích trí não bé phát triển
1. Trò chơi đo đạc độ lớn nhỏ: Yêu cầu trẻ sắp xếp những chiếc bát hoặc xoong nồi nhỏ vào trong cái lớn hơn, trong khi chơi trẻ sẽ học được khái niệm về kích thước lớn, nhỏ và trung bình.
2. Trò chơi nắp và nồi: Trò chơi này dành cho các bé từ 18 tháng tuổi trở lên. Bạn có thể yêu cầu bé xếp lại thứ tự từ lớn đến nhỏ của bộ nổi hoặc có thể đậy nắp đúng với nồi.
3. Trò chơi xếp chồng: Tìm những đồ vật trong nhà mà trẻ có thể xếp chồng chúng lên nhau. Qua đó giúp trẻ học được về độ cao và trí não trẻ sẽ học cách phân tích về mặt phẳng, độ thăng bằng.
4. Trò dán giấy: Đưa cho bé các sticker để bé tập dán thẳng hàng trên 1 tờ giấy hoặc 1 đường kẻ.
5. Trò ghép đôi: Hướng dẫn bé tìm các đôi tất hoặc giày dép cùng màu để ghép đôi cho chuẩn.
6. Chơi ngoài trời hoặc cho bé đi dạo: Sẽ giúp não bé tập vận động, ghi nhớ và phát triển tối đa.
|