Nên làm gì khi trẻ mọc răng?
Răng trẻ bắt đầu mọc khi trẻ được 6 tháng tuổi và tiếp tục mọc hết bộ 20 răng sữa khi trẻ được 3 tuổi. trong thời gian mọc răng, có thể có hiện tượng sưng, đau nướu. trong trường hợp này, có thể giúp trẻ thoa nướu bằng ngón tay hay muỗng nhỏ được làm lạnh, hoặc có thể dùng gel hoặc thuốc giảm đau khi trẻ mọc răng. Tuy nhiên để sử dụng thuốc này, cần hỏi ý kiến của nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa.
Trong thời điểm này, rất nhiều trẻ xuất hiện sốt. Xử lý rất đơn giản, chỉ cần chườm ấm cho trẻ đồng thời bổ sung đủ nước và điện giải cho trẻ hoặc nếu trẻ sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt. Nhưng, chúng ta cũng cần phân biệt để chắc chắn rằng trẻ không sốt vì các nguyên nhân nhiễm trùng khác.
Chải răng đúng cách cho trẻ
Nên bắt đầu chải răng cho trẻ từ 1,5 đến 2 tuổi và giám sát trẻ chải răng đến 6 tuối, nên chải ít nhất 2 lần/ ngày, trong đó có 1 lần trước khi đi ngủ.
Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm, kích thước phù hợp với tuổi của trẻ.
Sử dụng lượng kem đánh răng bằng cỡ hạt đậu, với lượng flour cho phép và cẩn thận không để trẻ nuốt kem.
Trước tiên chả mặt trong tất cả các răng, đây là nơi tích tu nhiều mảng bám nhất. Đặt nghiêng lông bàn chải 40-45 độ hướng về phía nướu chải nhẹ nhàng với động tác lên xuống hoặc xoay tròn.
Chải nhẹ nhàng mặt ngoài răng, đặt nghiêng lông bàn chải 40-45 độ hướng về phía nướu, chải lên xuống hoặc xoay tròn hết toàn bộ cung răng.
Chải mặt nhai theo đường tới lui
Trước khi bắt đầu chải răng, cũng nên vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách lau khoang miệng trẻ bằng gạc sạch hoặc nước muối.
Đồng thời với việc chải răng cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng để loại bỏ hết vi khuẩn và mảng bám mà quá trình trải răng có thể bỏ sót.
Một số thói quen xấu gây ảnh hưởng đến răng và cung hàm nên tránh ở trẻ nhỏ
Ngậm kẹo, ăn uống trước khi đi ngủ mà không đánh răng: vi khuẩn ở khoang miệng hoạt động chủ yếu vào ban đêm khi chúng ta nghỉ ngơi, vì vậy ăn uống đặc biệt là kẹo ngọt trước khi đi ngủ, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm tăng khả năng gây sâu răng của trẻ.
Cắn vật cứng: men răng của trẻ mỏng và yếu hơn của người lớn rất nhiều, cắn vật cứng sẽ có nguy cơ vỡ men răng, làm giảm khả năng bảo vệ, tăng khả năng sâu răng của trẻ.
Mút tay: là thói quen không có hại đối với trẻ, tuy nhiên, thói quen này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của miệng, hàm và vị trí của các răng. Nếu thói quen này vẫn tiếp tục xảy ra sau khi răng vĩnh viễn đã mọc có thể gây ra hiện tượng răng cửa chìa ra (răng hô) và răng cắn hở. Điều này trở thành nguyên nhân của những vấn đề răng miệng khi trưởng thành như mòn răng, sâu răng và mất thoải mái trong việc ăn nhai.
Ngậm núm vú sau khi răng vĩnh viễn mọc cũng có thể gây ra hậu quả tương tự.