Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ đến trường đón con mỗi ngày sẽ khiến trẻ cảm thấy vui vẻ và yên tâm hơn là nhờ cô, dì, chú, bác hay hàng xóm đón hộ. Do có việc bận đột xuất, chị Minh đến đón con muộn 5 phút. Các bé khác trong trường đã về hết, chỉ còn lại mỗi bé Minh Quân ngồi ở trong lớp đợi mẹ. Nhìn thấy mẹ, bé Quân mếu máo chạy ùa ra ôm mẹ. Cháu vẫn không quên câu: "Mẹ đón con muộn thế. Nhưng con vẫn thích mẹ đón con hơn bác Hạnh".Trước đây, bé Quân vốn là một cậu bé hiếu động, thông minh nhưng lại nóng nảy, dễ cáu giận. Thấy con khó hòa đồng với bạn bè, chị Minh đã đưa con đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Chuyên gia cho biết, cháu có chút ít biểu hiện của rối nhiễu tâm lý nên rất cần được bố mẹ yêu thương và quan tâm hơn.
Vợ chồng chị Minh đều là dân kinh doanh, thời gian dành cho con rất ít. Hầu như mọi việc chăm sóc con, chị đều giao hết cho người giúp việc. Từ chuyện ăn uống, tắm táp đến việc đón con đi học về đều do một tay người giúp việc đảm trách. Thời gian dành cho con trong ngày của chị Minh chỉ chưa đầy 30 phút. Buổi sáng chị dành cho con được khoảng 10 - 15 phút để đưa con đi học và thường lúc nào cũng vội vàng vì dậy muộn. Buổi tối cũng vậy, chị chỉ có khoảng 10 - 15 phút cho con trước khi con đi ngủ, thậm chí là không có nổi phút nào nếu hôm đó có bộ phim hay trên tivi.Vì thế, cháu Quân thường phải làm bạn với tivi, tự chơi một mình nên tính tình trở nên lầm lì, ngại giao tiếp và rất khó bảo. Được sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý, chị Minh đã "bứt" mình ra khỏi công việc để dành thời gian nhiều hơn cho con. Mỗi lần thấy mẹ đến đón, cháu Quân rất vui và kể đủ chuyện. Nhờ việc đi làm về sớm để đón con và dành nhiều thời gian cho con, bé Quân cũng tiến bộ rõ rệt. Cháu vui vẻ, dễ bảo và ngoan ngoãn hơn rất nhiều.Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Phương, Trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em Cpec, việc cha mẹ dành thời gian để đón trẻ từ trường về, tưởng là một việc nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng. Đối với trẻ nhỏ, sau một ngày phải xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, được gặp bố mẹ ngay tại lớp thì niềm vui của trẻ sẽ nhân lên bội phần. Được bố mẹ đón, các cháu sẽ cảm thấy mình được yêu thương, được quan tâm. Ngoài ra, khi đến đón con, bố mẹ thường trò chuyện với cô giáo, điều đó giúp cho phụ huynh và giáo viên hiểu trẻ hơn. Việc đón con ở trường mỗi ngày vì thế sẽ giúp duy trì mối quan hệ mẹ con, bố con một cách bền chặt hơn, rất tốt cho sự phát triển và lớn lên của trẻ.Về độ tuổi nên cho trẻ đi mẫu giáo, theo tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tư vấn giáo dục Trường mầm non Hoàng Gia, Hà Nội, việc cho bé đi lớp sớm hay quá muộn đều không tốt cho sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ dưới 3 tuổi mà gia đình có người chăm sóc tốt, nên cho bé ở nhà, bởi không gì tốt bằng được ở bên cạnh người thân để bé được trò chuyện, khơi gợi và học hỏi.Còn từ 3 tuổi, bố mẹ nên cho con đi nhà trẻ bởi ở giai đoạn này, bé có nhu cầu được giao tiếp với bạn bè cùng tuổi và phát triển các mối quan hệ. Môi trường gia đình lúc này sẽ không đủ cho nhu cầu giao tiếp của bé. Ngoài ra, đây còn là giai đoạn quan trọng để trẻ chuẩn bị tâm thế đi học ở bậc tiểu học. Những bé đi lớp muộn (sau 5 tuổi) hay không đi lớp thường khó tuân thủ kỷ luật của lớp học. Trên thực tế, giáo dục bậc mầm non không "nặng" về giáo dục kiến thức, mà chủ yếu là giúp các bé hình thành những thói quen đầu tiên về cách suy nghĩ, sinh hoạt hay ứng xử.