Như chúng ta đã biết ngôn ngữ luôn có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Ngôn ngữ là phương tiện để phát triển tư duy và là phương tiện để giáo dục tình cảm, thẩm mỹ cho trẻ. Trong giáo dục trẻ mầm non hiện nay, chúng ta càng thấy rõ vai trò của ngôn ngữ đối với việc giúp trẻ trở thành những con người phát triển về mọi mặt: đức, trí, thể, mỹ và hình thành những cơ sở ban đầu của nhân cách con người. Vấn đề phát triển ngôn ngữ một cách có hệ thống cho trẻ ngay từ nhỏ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.Đối với trẻ nhà trẻ nói chung và trẻ nhà trẻ 24 – 36 tháng tuổi nói riêng, trẻ rất nhạy cảm với ngôn ngữ. Âm điệu, hình tượng của các bài hát , bài thơ, đồng dao, dân ca sớm đi vào tâm hồn tuổi thơ. Lứa tuổi này trẻ đang học nói, Những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn đặc biệt hấp dẫn trẻ.
Ví dụ: Câu chuyện “ Xe lu và xe ca” của lứa tuổi 24-36 tháng:
Có một chiếc xe lu và một chiếc xe ca cùng đi trên một con đường. Xe lu dáng vẻ thô kệch, lăn từng bước chậm chạp, còn xe ca có bề ngoài gọn gàng, phóng nhanh vun vút. Thấy vậy xe ca chế nhạo xe lu :
- Xe lu ơi ! Cậu đi chậm như rùa ấy ! Hãy xem tớ đây này !
Nói rồi, xe ca phóng vụt lên, bỏ xe lu ở lại đằng sau. Xe ca tưởng mình thế là giỏi lắm.
Nhưng tới một quãng đường bị hỏng và lầy lội, xe ca không thể đi qua được, đành phải đổ lại. Người ta đổ đá cuội xuống chỗ lầy lội. Bấy giờ xe lu mới tiến lên, đi lên đống đá và lăn qua lăn lại nhiều lần. Chẳng mấy chốc, mặt đường trở nên bằng phẳng. Nhờ vậy mà xe ca mới có thể đi qua được.
Xe ca đã hiểu rằng tuy xe lu đi chậm chạp, dáng vẻ lù lù, thô kệch nhưng xe lu làm cho những con đường bằng phẳng để cho các xe khác đi lại dễ dàng. Từ đấy xe ca không bao giờ chế giễu xe lu nữa.